Hệ thống e-GP là gì?
Ngày 01/8/2022, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống e-GP) chính thức có hiệu lực thi hành.
Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia mới - Hệ thống e-GP là gì?
Hệ thống e-GP được xây dựng trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ” theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo và phối hợp với Nhà đầu tư là Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT và Doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thực hiện.

Được thiết kế, phát triển với 11 phân hệ thành phần, Hệ thống e-GP hướng tới quản lý xuyên suốt quá trình mua sắm công, đấu thầu điện tử từ cập nhật thông tin dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu/nhà đầu tư, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), mở thầu, đánh giá xếp hạng nhà thầu, công khai kết quả đấu thầu đến việc thương thảo, ký kết hợp đồng trực tuyến, theo dõi quản lý quá trình thực hiện hợp đồng và kết nối với Kho bạc Nhà nước để nhận và quản lý kết quả thực hiện giải ngân.
Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia mới - Hệ thống e-GP chính thức vận hành khi nào?
Hệ thống e-GP chính thức bắt đầu vận hành từ ngày 01/8/2022 theo đúng thời điểm hiệu lực của Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT, với nhiều điểm thay đổi, đột phá, chạy được trên nhiều trình duyệt và đáp ứng mục tiêu quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu cũng như thực hiện đấu thầu qua mạng, trên cơ sở đảm bảo an toàn, cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Những phân hệ thành phần của Hệ thống e-GP
Hệ thống e-GP được thiết kế, xây dựng gồm 11 phân hệ thành phần, bao gồm:
- Cổng thông tin (Portal)
- Quản lý người dùng (User Management)
- Hỗ trợ người dùng (Call Center)
- Ðấu thầu điện tử (e-Bidding)
- Mua sắm điện tử (e-Shopping Mall)
- Quản lý hợp đồng qua mạng (e-Contract)
- Thanh toán điện tử (e-Payment)
- Danh mục sản phẩm (Item list)
- Văn bản điện tử (e-Document)
- Quản lý năng lực nhà cung cấp (Supplier’s Performance Management)
- Bảo lãnh điện tử (e-Guarantee).
Những cải tiến mạnh mẽ, ưu điểm vượt trội của Hệ thống e-GP
1. Kê khai năng lực của nhà thầu, nhà đầu tư tự động, một số thông tin sẽ được công khai để tăng tính minh bạch hạn chế kê khai thiếu trung thực
Những thông tin về đăng ký doanh nghiệp, tài chính sẽ được tự động trích xuất từ hệ thống của Cục quản lý kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hệ thống của Tổng cục Thuế
Thông tin về hợp đồng tương tự từ khi Hệ thống e-GP vận hành sẽ có phân hệ về quản lý hợp đồng, sau khi ký hợp đồng điện tử các thông tin về hợp đồng tự động đưa vào HSNL của nhà thầu.
2. Chủ đầu tư được thêm các chức năng trên hệ thống
Các chức năng nghiệp vụ hỗ trợ quy trình đấu thầu từ công tác quản lý kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thông báo mời thầu, tham dự thầu, hỗ trợ đánh giá tự động trên Hệ thống cho đến thông báo kết quả lựa chọn/chỉ định nhà thầu và các chức năng hỗ trợ đấu thầu như: gia hạn thầu; làm rõ HSMT, dự thầu; xử lý kiến nghị kết quả đấu thầu.
CĐT tham gia vào Hệ thống và thực hiện các nghiệp vụ phê duyệt, đăng tải thông tin theo quy định. Theo dõi quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu và có thể xuất báo cáo trên Hệ thống. Thực hiện phân công công việc trên Hệ thống cho các tổ chức BMT lựa chọn nhà thầu.
3. Hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử
Hệ thống e-GP mới cung cấp các chức năng hỗ trợ các nghiệp vụ thương thảo, tạo lập, ký kết hợp đồng điện tử, theo dõi tiến độ thực hiện hợp đồng, nghiệm thu bàn giao sản phẩm, kết thúc hợp đồng và quản lý các điều chỉnh, thay đổi của các loại hợp đồng theo các phương thức mua sắm và các hình thức lựa chọn nhà thầu.
Hệ thống sẽ kết nối với KBNN, chia sẻ dữ liệu về hợp đồng và nhận kết quả thanh toán từ hệ thống kiểm soát chi của KBNN nhằm hỗ trợ các bên theo dõi giải ngân dự án cũng như hỗ trợ xem xét thông tin về năng lực thực hiện hợp đồng của nhà thầu.
4. Bảo lãnh điện tử
Nhà thầu có thể tạo yêu cầu phát hành/sửa đổi bảo lãnh điện tử gửi cho các tổ chức tín dụng (có kết nối với Hệ thống e-GP) và tiếp nhận bảo lãnh điện tử; xử lý hoạt động liên quan đến giải toả bảo lãnh; hỗ trợ CĐT thực hiện xử lý vi phạm bảo lãnh mà không cần nộp bản giấy cho ngân hàng.