Trọn bộ về bảo hành công trình xây dựng
Bảo hành công trình được diễn ra khi Nhà thầu thi công xong công trình và bàn giao cho Chủ đầu tư, đơn vị vận hành tiếp nhận và tiếp tục vận hành công trình đưa vào sử dụng, trong thời gian sử dụng sẽ có một khoảng thời gian bảo hành của Nhà thầu dành cho công trình đã hoàn thành đó. Bài viết này sẽ chia sẻ trọn bộ về công tác Bảo hành công trình mà nhà thầu cần nắm để triển khai đạt hiệu quả cao.
Bảo hành công trình là gì?
Căn cứ Khoản 17 Điều 2 của Nghị định 06/2021 - Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng có nêu:
"Bảo hành công trình xây dựng là sự cam kết của nhà thầu về trách nhiệm khắc phục, sửa chữa trong một thời gian nhất định các hư hỏng, khiếm khuyết có thể xảy ra trong quá trình khai thác, sử dụng công trình xây dựng."
Thời hạn bảo hành công trình bao lâu?
Theo Khoản 5 Điều 28 của Nghị định 06/2021 thì
Thời hạn bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp được tính kể từ khi được chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định và được quy định như sau:
- Không ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
- Không ít hơn 12 tháng đối với các công trình cấp còn lại sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
- Thời hạn bảo hành đối với công trình sử dụng vốn khác có thể tham khảo quy định tại điểm a, điểm b khoản này để áp dụng, theo sự thỏa thuận giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu thi công.
- Đối với các thiết bị công trình, thiết bị công nghệ được xác định theo hợp đồng xây dựng nhưng không ngắn hơn thời gian bảo hành theo quy định của nhà sản xuất và được tính kể từ khi nghiệm thu hoàn thành công tác lắp đặt, vận hành thiết bị.
Công trình cấp đặc biệt, công trình cấp I là gì?
Chủ đề này chúng tôi đã có một bài viết đầy đủ, chi tiết về các công trình, phân cấp công trình trong xây dựng. Để hiểu rõ thế nào là công trình đặc biệt, công trình cấp I bạn tham khảo bài viết này - Bảng tra phân cấp công trình mới nhất
Vốn đầu tư công là gì?
Chúng ta cũng cần làm rõ thêm khái niệm để hiểu cho đúng và cho chính xác quy định về thời hạn bảo hành
Vậy thế nào là vốn đầu tư công?
Căn cứ theo Điều 4 của Luật đầu tư công năm 2013 có nêu rõ ràng rằng "Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội." Hiểu đơn giản là các Dự án mà thanh toán cần ra kho bạc nhà nước thì là vốn đầu tư công.
Vốn nhà nước ngoài đầu tư công là gì?
Đây là một khái niệm mới với nhiều người. Theo Khoản 22 Điều 4 của Luật số 62/2020/QH14 có nêu:
"Vốn đầu tư công quy định tại Luật này bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước; Vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, Đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật." Như vậy có thể thấy ngoài vốn từ ngân sách nhà nước đã có thêm vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước và chính nguồn vốn này sẽ là nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Chẳng hạn chúng ta thường thấy các cơ quan địa phương làm quy hoạch, phân lô các khu giãn dân và sử dụng dòng tiền đó để tái thiết đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương, nguồn vốn đó được cân đối tự chủ từ việc bán đất mà không sử dụng ngân sách nhà nước, đó là vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
Vốn khác là gì?
Vốn khác là các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thuộc sở hữu của tư nhân, đặc điểm dễ nhận biết là các Dự án do tư nhân làm Chủ đầu tư.
Gía trị bảo hành bao nhiêu?
Căn cứ Khoản 7 Điều 28 của Nghị định 06/2021 có quy định chi tiết với các Dự án sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công, mức tiền bảo hành tối thiểu được quy định như sau:
- 3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp I;
- 5% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp còn lại;
- Mức tiền bảo hành đối với công trình sử dụng vốn khác có thể tham khảo các mức tối thiểu quy định tại điểm a, điểm b khoản này để áp dụng.
Thời điểm bắt đầu tính bảo hành công trình là bao giờ?
Theo Khoản 5 Điều 28 của Nghị định 06/2021 thì "thời hạn bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp được tính kể từ khi được chủ đầu tư nghiệm thu theo quy định"
- Với Hạng mục công trình hoặc công trình xây dựng sẽ được tính kể từ ngày ký biên bản nghiệm thu Công trình/Hạng mục công trình đưa vào sử dụng.
- Với thiết bị sẽ được tính từ khi ký biên bản nghiệm thu chạy thử đơn động hoặc liên động, có tải hoặc không tải.
Trách nhiệm của các bên trong thời hạn bảo hành như nào?
Trong thời hạn bảo hành thì các bên cần tuân thủ những thỏa thuận đã có trong hợp đồng, đồng thời trách nhiệm của các bên được quy định trong Nghị định 06/2021 như sau
Trách nhiệm của Chủ đầu tư
- Trong thời gian bảo hành công trình xây dựng, khi phát hiện hư hỏng, khiếm khuyết của công trình thì Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thông báo cho chủ đầu tư để yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành.
-
Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện bảo hành của nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị.
Trách nhiệm của Nhà thầu thi công, Nhà thầu cung cấp thiết bị
- Nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành phần công việc do mình thực hiện sau khi nhận được thông báo yêu cầu bảo hành của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đối với các hư hỏng phát sinh trong thời gian bảo hành và phải chịu mọi chi phí liên quan đến thực hiện bảo hành.
- Nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị có quyền từ chối bảo hành trong các trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh không phải do lỗi của nhà thầu gây ra hoặc do nguyên nhân bất khả kháng được quy định trong hợp đồng xây dựng. Trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh do lỗi của nhà thầu mà nhà thầu không thực hiện bảo hành thì chủ đầu tư có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện bảo hành. Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện đúng quy định về vận hành, bảo trì công trình xây dựng trong quá trình khai thác, sử dụng công trình.
Kết thúc thời hạn bảo hành Nhà thầu cần làm gì?
Trách nhiệm của Nhà thầu khi hết hạn bảo hành
Khi kết thúc thời hạn bảo hành Nhà thầu cần làm 2 việc để hoàn thiện công tác bảo hành của mình
- 1 là Nhà thầu thi công xây dựng công trình hoặc nhà thầu cung ứng thiết bị lập báo cáo hoàn thành công tác bảo hành gửi chủ đầu tư
- 2 là lập biên bản xác nhận hết thời hạn bảo hành và tiến hành nghiệm thu hoàn thành giai đoạn bảo hành với các bên có liên quan.
Trách nhiệm của Chủ đầu tư khi hết bảo hành
Khi hết thời hạn bảo hành thì Chủ đầu tư có 3 trách nhiệm như sau
- 1 là xác nhận hoàn thành việc bảo hành công trình xây dựng cho nhà thầu bằng văn bản
- 2 là tiến hành kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện bảo hành của nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị - đánh giá bằng văn bản là đạt yêu cầu hay không đạt yêu cầu.
- 3 là có nghĩa vụ hoàn trả tiền bảo hành (hoặc giải tỏa thư bảo lãnh bảo hành của ngân hàng có giá trị tương đương) cho các nhà thầu.